Thờ cúng tổ tiên, ông bà là truyền thống lâu đời và trang nghiêm trong mỗi gia đình Việt Nam. Những ngày tết đến xuân về chắc hẳn sẽ không thể thiếu các công việc dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ sạch sẽ để tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên. Vậy bạn đã biết cách lau dọn bàn thờ? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé.
Ý nghĩa của việc lau dọn bàn thờ vào dịp trước Tết
Trong văn hóa tâm linh nói chung và phong tục Việt Nam nói riêng thì bàn thờ gia tiên là nơi thờ cúng Phật cùng các vị thần linh và ông bà tổ tiên. Vì thế, việc lau dọn bàn thờ sạch sẽ trước khi đón Tết là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính và mời ông bà tổ tiên về đón Tết cùng gia đình.
Về mặt phong thủy, bàn thờ là nơi tập trung tụ khí của gia đình và ảnh hưởng đến tài lộc, may mắn, bình an của các thành viên. Nếu bàn thờ không được dọn dẹp sạch sẽ, bày trí trang nghiêm trước khi qua năm mới sẽ ảnh hưởng đến vượng khí, tài lộc của gia chủ.
>>> Xem thêm: Một số công trình lăng mộ đá nguyên khối đẹp, cao cấp tại Việt Nam.
Nên dọn dẹp bàn thờ vào thời điểm nào trước Tết
Trong quan niệm dân gian, thời điểm thích hợp nhất để vệ sinh, lau dọn bàn thờ đón Tết chính là sau ngày tiễn ông Táo về trời tức ngày 23 tháng Chạp.
Bởi vì, ông Công ông Táo là người giữ lửa bếp núc và trông coi đất đai của gia đình sẽ về trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng những chuyện trong năm. Đây cũng là thời điểm kết thúc năm cũ và phù hợp để dọn dẹp bàn thờ mà không ảnh hưởng đến hoạt động thờ cúng.
Dọn dẹp bàn thờ gia tiên nên thực hiện sau khi lễ cúng đưa ông Táo về trời và nên thực hiện vào thời điểm trước khi mặt trời lặn trong ngày.
Đối với các gia đình cúng ông Táo vào buổi sáng 23 tháng Chạp thì có thể thực hiện lau dọn ngay sau đó hoặc vào buổi chiều. Ngược lại nếu gia đình tổ chức lễ cúng vào buổi chiều thì nên hoàn thành việc lau dọn trước 17h hoặc thực hiện vào sáng hôm sau hay bất kỳ ngày lành nào trước ngày 30 Tết.
Cần chuẩn bị những gì trước khi dọn dẹp bàn thờ
Để quá trình vệ sinh bàn thờ diễn ra suôn sẻ và tiết kiệm thời gian, gia chủ nên chuẩn bị trước một số việc cần thiết.
Chuẩn bị nước gừng pha loãng với rượu trắng
Nước gừng pha với rượu trắng là hỗn hợp nước lau bàn thờ được sử dụng từ lâu và phổ biến đến ngày nay. Theo phong thủy, bàn thờ là nơi có tính âm nên phải dùng các loại nước ấm và có tính dương để cân bằng. Ngoài ra, quan niệm dân gian cho rằng rượu và gừng còn có khả năng tẩy uế và giúp làm sạch đồ vật thờ cúng nhưng vẫn bảo vệ được độ mới.
Gừng và rượu để chuẩn bị lau bàn thờ nên lại các loại mới mua và kiêng kỵ dùng đồ thừa đang dùng dở dang. Rượu trắng khi mua về nấu ấm lên và kết hợp gừng giã nhuyễn với tỷ lệ 1 lít rượu thì bỏ vào 100g gừng tươi. Hỗn hợp rượu gừng nên được đựng riêng trong thau, chậu dành riêng để lau bàn thờ và hạn chế dùng thau chậu sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, tắm giặt,…
Chuẩn bị các dụng cụ
- Khăn vải mềm mới
- Bộ chổi lau bàn thờ
- Bàn có phủ vải hoặc giấy màu đỏ cho đồ thờ cúng tổ tiên và màu vàng cho Phật
- Thau, chậu để đựng rượu gừng
- Khăn giấy để lau khô
Dụng cụ để dọn dẹp nên chọn loại mới hoặc chưa qua sử dụng cho các mục đích khác ngoài việc vệ sinh cho bàn thờ. Đặc biệt cũng không nên cho mượn các loại vật dụng này để lau dọn ở bàn thờ gia đình khác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến vượng khí của gia chủ.
Khấn vái xin phép tổ tiên, đức phật thần linh
Xin phép Phật, các vị thần linh và tổ tiên trước khi thực hiện lau dọn là nghi thức mời các vị tạm lánh và cho phép lau dọn khu thờ cúng. Sau khi khấn vái xin phép, thắp hương và gia chủ nên đợi đến khi hương tàn mới bắt đầu việc dọn dẹp. Ngoài ra, trong quá trình xin phép nên đóng các cửa sổ, cửa chính có ánh sáng trực tiếp đến bàn thờ. Bởi vì ánh sáng sẽ mang năng lượng dương không tốt đến việc thờ cúng sau này.
Khấn vái xin phép tổ tiên trước khi lau dọn
Người vệ sinh bàn thờ
Trước đây quan niệm dân gian cho rằng việc dọn dẹp bàn thờ chỉ dành cho người đàn ông trong gia đình. Tuy nhiên, đây là nghi thức để con cháu thể hiện sự thành kính đối với tổ tiên, ông bà nên mỗi người trong gia đình đều có thể thực hiện việc lau dọn.
Nên vệ sinh bàn thờ sau khi tắm rửa sạch sẽ và nên chọn trang phục chỉnh chu để thể hiện sự trang trọng, thanh tịnh của bản thân. Đối với những người đang bệnh hoặc phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt hạn chế không nên thực hiện công việc này bởi vì có thể ảnh hưởng không tốt đến lượng khí trong cơ thể.
>>> Tham khảo thêm bài viết liên quan: Giải thích hiện tượng bát hương bốc cháy chân nhang
Các bước vệ sinh bàn thờ đúng cách chi tiết nhất
Mặc dù công việc này khá đơn giản nhưng không phải ai cũng biết cách vệ sinh bàn thờ đúng để tránh đụng chạm đến những điều kiêng kỵ trong việc thờ cúng.
Bước 1: Tắm rửa sạch sẽ
Người thực hiện việc nên tắm rửa sạch sẽ và ăn mặc chỉnh tề, trang nghiêm để thể hiện thành ý với tổ tiên, ông bà.
Bước 2: Khấn vái để xin phép lau dọn
Thắp hương và khấn vái theo văn khấn mẫu để xin phép được vệ sinh bàn thờ. Nên chờ đến khi hương tàn để tiến hành dọn dẹp. Trong lúc đó người lau dọn có thể chuẩn bị các dụng cụ lau dọn và nấu rượu gừng.
Bước 3: Lau dọn các đồ vật thờ cúng
Hạ tất cả các độ vật thờ cúng như: tượng Phật, tượng các vị thần linh, bài vị tổ tiên, bình hoa, ly nước,… lên bàn đã trải vải trắng hoặc giấy màu. Tuy nhiên, lưu ý trong quá trình này không hạ hoặc xê dịch vị trí của lư hương.
Dùng khăn vải mềm nhúng rượu gừng để lau nhẹ nhàng các tượng và bài vị. Tiếp đến lau các loại bình hoa, ly,… Thực hiện lau bằng nước rượu gừng đến khi các đồ vật sạch sẽ và không còn bám bụi bẩn.
Bước 4: Dọn dẹp lư hương
Trước khi lau bàn thờ, nên vệ sinh phần lư hương bằng cách rút các chân hương và chừa lại theo số lẻ 3 hoặc 5 đặt lên bàn có vải đã chuẩn bị. Theo quan niệm dân gian để lại 5 chân hương cho lư hương thần linh sẽ đại diện cho ngũ hành và 3 cho lư hương ông bà đại diện cho bình an, tài lộc. Nên dùng muỗng sạch để lấy tro ra ngoài thay vì dốc ngược lư hương sẽ gây tán tài không tốt cho gia chủ. Khi lau lư hương không được xoay hoặc lấy lư hương ra khỏi vị trí ban đầu và đổ lại tro mới vào.
Bước 5: Lau bàn thờ
Dùng khăn nhúng rượu gừng và lau toàn bộ bụi trên bàn thờ và dùng khăn khô để lau lại. Đối với bàn thờ bằng gỗ nên để bề mặt khô hoàn toàn trước khi bày trí lại đồ vật thờ cúng để tránh ảnh hưởng đến chất lượng của gỗ.
Bước 6: Bày lại đồ vật vào vị trí cũ và thắp hương
Sau khi bàn thờ và lư hương được dọn dẹp sạch sẽ, khô ráo, người dọn dẹp thực hiện bày trí các tượng, bài vị, nến, đèn, hoa,… về lại vị trí cũ ban đầu. Lưu ý trước khi đặt lên bàn thờ nên kiểm tra lại để hạn chế còn vết bẩn, bụi bặm còn sót lại trên đồ vật.
Tiếp theo, người dọn dẹp thắp hương thông báo đã hoàn thành công việc và mời các vị Phật, thần linh và ông bà về đón tết cùng con cháu.
Có thể thấy, cách lau dọn bàn thờ mặc dù đơn giản nhưng cần đảm bảo đầy đủ các bước để giúp hoàn thiện nghi thức một cách chỉnh chu, trang trọng nhất. Thực hiện vệ ính bàn thờ thường xuyên để giữ khu vực này luôn sạch sẽ là cách để mang đến nhiều phúc khí, vận may cho gia chủ.
>>> Đọc thêm: Tìm hiểu về lễ tạ mộ – Sắm lễ vật và văn khấn chi tiết nhất
Một số lưu ý khi lau dọn bàn thờ
- Không được di dời vị trí của lư hương trong suốt quá trình lau dọn
- Không được lau bàn thờ bằng nước lạnh mà nên dùng các loại nước có chứa thảo mộc hoặc nước ấm nóng.
- Cẩn thận khi lau dọn để tránh làm đổ vỡ đồ vật gây ảnh hưởng không tốt đến gia chủ trong năm mới
- Luôn luôn thắp hương thông báo đến thần linh, ông bà để xin phép trước và sau khi dọn dẹp bàn thờ
- Người đang bệnh, ốm hạn chế thực hiện lau dọn sẽ dễ ảnh hưởng đến tụ khí trong người
- Lau đồ vật theo thứ tự vị trí lớn đến nhỏ như lau tượng Phật, tiếp theo là tượng thần linh và cuối cùng là bài vị gia tiên
- Nên vệ sinh bàn thờ vào ngày lành theo lịch vạn niên để tránh phạm phải kiêng kỵ gây ra điều xấu đến gia đình.
Hy vọng chúng tôi đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách lau dọn bàn thờ để cùng mời tổ tiên, ông bà sum vầy đón Tết cùng con cháu. Hãy tham khảo thêm các bài viết khác trên website để được giải đáp chi tiết về thắc mắc trong việc thờ cúng nhé.
Tôi là Lộc Văn Thông 33 tuổi tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Với kinh nghiệm 10 năm trong ngành thẩm định, chế tác đá thủ công mỹ nghệ, tôi đã cùng Đá Đức Tâm thực hiện hơn 1000 công trình lăng mộ đá trên khắp cả nước.